Di chúc viết tay được chứng thực, có giá trị pháp lý hay không ?



(Dân trí) – Ông Nguyễn Văn Vượng (Tứ Kỳ, Hải Dương) có gửi về chuyên mục Bạn đọc, báo Dân Trí một bản di chúc viết tay và mong nhận được lời tư vấn giải đáp pháp luật về tính hợp pháp từ luật sư.

Theo đó, bản di chúc được mẹ của ông Vượng là bà Hoàng Thị Châm (như ghi nhận tại CMND cấp ngày 03/12/1978 cho cụ) viết tay từ năm 2003 nhưng không được lập trước mặt người chứng thực mà chỉ được Chủ tịch UBND thị trấn Tứ Kỳ thực hiện việc chứng thực sau ngày viết 3 hôm. 

PV Dân trí đã chuyển thông tin, tài liệu của ông Nguyễn Văn Vượng tới Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty luật Pháp trị – Đoàn Luật sư TP Hà Nội để được giải đáp.

Di chúc viết tay được chứng thực, có giá trị pháp lý hay không? - 1
Di chúc viết tay được chứng thực, có giá trị pháp lý hay không? - 2
Bản di chúc do mẹ của độc giả Nguyễn Văn Vượng để lại.

Luật sư Lực cho biết, bản di chúc ông Vượng cung cấp được lập ngày 04/11/2003, do vậy để đánh giá tính hợp pháp của di chúc phải căn cứ vào Bộ luật dân sự năm 1995 và Nghị định số 75/2000 về Công chứng, chứng thực.

Di chúc hợp pháp phải đảm bảo có đủ các điều kiện sau đây

“a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật” (Khoản 1, điều 655 Bộ luật dân sự năm 1995).

Theo quy định nêu trên, bản di chúc thiếu dù chỉ một điều kiện cũng sẽ không hợp pháp.

Luật sư phân tích, về hình thức, di chúc trên trái các quy định pháp luật tại thời điểm lập di chúc. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, hình thức di chúc lai tạp, không đảm bảo pháp lý: Di chúc được cho là của bà Hoàng Quý Trâm vừa có hình thức di chúc không có người làm chứng (viết tay) theo điều 658 Bộ luật dân sự năm 1995, vừa có hình thức UBND xã làm chứng theo điều 661 Bộ luật dân sự năm 1995.

Với quy định trên có thể nhận thấy đây là hai hình thức di chúc khác nhau. Di chúc viết tay thì không có, không cần người chứng thực. Di chúc chứng thực thì không có chữ viết tay bởi việc ghi chép nội dung di chúc do người chứng thực làm theo quy định tại điều 661 Bộ luật dân sự năm 1995 “Người lập di chúc tuyên bố nội dung di chúc trước người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân xã….người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố“.

Theo quy định tại điều 653 Bộ luật dân sự năm 1995 thì không thể tồn tại đồng thời hai hình thức lập trong một bản di chúc hợp pháp. Hình thức của bản di chúc được cho rằng của bà Hoàng Quý Trâm lập, có chứng thực của UBND thị trấn Tứ Kỳ là hoàn toàn trái các quy định pháp luật.

Di chúc viết tay được chứng thực, có giá trị pháp lý hay không? - 3
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc công ty luật Pháp trị – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Thứ hai, di chúc không được lập trước mặt người chứng thực

Di chúc viết tay được lập ngày 04/11/2003. Phần chứng thực của Chủ tịch UBND thị trấn Tứ Kỳ thực hiện ngày 08/11/2004. Thời gian từ khi người lập di chúc viết tay đến thời gian chứng thực là 04 ngày.

Như vậy rõ ràng di chúc không được lập, ký trước mặt người có thẩm quyền chứng thực. Điều này đồng nghĩa với việc người chứng thực hoàn toàn không có căn cứ xác định đây là ý chí, chữ viết, chữ ký của người lập di chúc.

Việc làm này vi phạm nghiêm trọng quy định về thủ tục lập di chúc quy định tại 661 Bộ luật dân sự năm 1995, khoản 1, điều 50 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về Công chứng, chứng thực. Di chúc lập không đúng thủ tục thì không có giá trị pháp lý.

Thứ ba, lời chứng trong di chúc không đúng quy định pháp luật, không có giá trị chứng thực di chúc

Lời chứng trong di chúc ngày 08/11/2003 ghi “UBND thị trấn Tứ Kỳ xác nhận bản di chúc của bà Trâm là đúng“. Đúng cái gì, đúng thế nào thì không ghi cụ thể. Trong khi đó khoản 1, khoản 3 điều 50 Nghị định số 75/2000 về Công chứng, chứng thực di chúc khẳng định: “1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu việc công chứng, chứng thực di chúc, không công chứng, chứng thực thông qua người khác…3. Người thực hiện công chứng, chứng thực phải xác định về trạng thái tinh thần của người lập di chúc“.

Đây là việc xác nhận vô căn cứ, không dựa trên nghiệp vụ công chứng và quy định pháp luật về chứng thực. Như vậy việc xác nhận của UBND thị trấn Tứ Kỳ không phải việc chứng thực di chúc theo dẫn chiếu ở trên; nội dung xác nhận trái pháp luật, lời chứng không phù hợp nên không có giá trị chứng thực, đồng nghĩa với di chúc không có giá trị pháp lý.

Nội dung của di chúc trên trái các quy định pháp luật tại thời điểm lập di chúc

Luật sư Lực phân tích cụ thể như sau: Điều 656 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định về nội dung của di chúc bằng văn bản nêu rõ:

1. Di chúc phải ghi rõ:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc; b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; d) Di sản để lại và nơi có di sản; đ) Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

2- Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang, thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc“.

Căn cứ quy định trên, đối chiếu với bản di chúc ông Vượng cung cấp có thể nhận thấy như sau:

Mẹ ông Vượng có tên Hoàng Thị Châm như ghi nhận tại CMND cấp ngày 03/12/1978 cho cụ. Còn người lập di chúc tên Hoàng Quý Trâm (Bà Dậu) như trong di chúc ngày 4/11/2003 không rõ là ai, có giấy tờ tùy thân gì để chứng minh có thật hay không. Bản thân cụ Hoàng Thị Châm cũng không có tài liệu nào thể hiện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã thay đổi họ và tên chữ đệm theo điều 29 Bộ luật dân sự năm 1995.

Người lập di chúc không nhớ cả tên mình thì liệu có đủ minh mẫn, sáng suốt, tỉnh táo để lập di chúc hay không? Người chứng thực di chúc không kiểm tra giấy tờ tùy thân, chứng thực di chúc cho người không có chứng minh nhân dân, không rõ là ai thì liệu có đáng tin hay không?

Việc làm như trên là vi phạm quy định tại điểm b, khoản 1 điều 656 Bộ luật dân sự năm 1995: Di chúc phải ghi rõ. Họ, tên người của người lập di chúc. Do vậy di chúc này sai về nội dung, không có giá trị pháp lý.

Từ những phân tích trên, căn cứ quy định tại điều 655 Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định về di chúc hợp pháp thì về cả hình thức và nội dung di chúc lập ngày 04/11/2003, được chứng thực ngày 8/11/2003 do ông Vượng cung cấp không hợp pháp. Khi di chúc không hợp pháp thì căn cứ theo điều 678 Bộ luật dân sự năm 1995 thì di sản sẽ được chia theo pháp luật.

 Độc giả khi có vướng mắc pháp lý, có thể gửi đơn thư về địa chỉ: bandoc@dantri.com.vn hoặc chuyên mục Bạn đọc, Báo Dân trí, số 2 Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội để được giải đáp.

Related Post