Khi công ty One Mount Group lần đầu xuất hiện với công bố từ phía Vingroup, đã có nhiều đồn đoán về một thương vụ của các đại gia để tạo nên “một hòn núi cao”.

I. Sự ra đời của hệ sinh thái One Mount Group
1. Cái tên mang hàm ý đặc biệt
Cuối năm 2019, công ty cổ phần One Mount Group được thành lập. Ban đầu, công ty gây được sự chú ý với công chúng vì có “ông lớn” – tập đoàn Vingroup là một trong những cổ đông sáng lập.
Ngoài ra, One Mount Group còn tạo sự ấn tượng với khoản vốn điều lệ hơn 3000 tỷ đồng. Và Vingroup dự kiến góp vào 1.561 tỷ đồng, tương đương với 51,22% vốn điều lệ trên giấy tờ. Hai cổ đông còn lại là ông Ngạc Văn Lượng góp và bà Nguyễn Minh Hồng với số vốn lần lượt là 2 tỷ đồng và 30 tỷ đồng.
Được biết, One Mount Group được lấy cảm hứng từ câu thành ngữ “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Cụm từ chính là đại diện cho hình ảnh của cái bắt tay giữa Vingroup (đa ngành định hướng công nghệ, công nghiệp) – Masan (hàng tiêu dùng) và Techcombank (ngân hàng) với có thể tạo ra một thứ gì đó lớn lao, như ngọn núi vậy.
2. Những định hướng phát triển ban đầu
Bằng một cách tự nhiên nhất, One Mount Group chính là cầu nối đưa 3 doanh nghiệp đến gần nhau hơn trong định hướng phát triển của họ.
Vingroup trước đó được biết đến với việc đầu tư dàn trải các hoạt động kinh doanh theo chiều ngang, từ bất động sản đến bán lẻ, thương mại điện tử, ví điện tử, sản xuất ô tô, điện thoại thông minh, TV, hàng không,… đã nhận được sự ngao ngán từ các nhà đầu tư và thương gia.
Thế rồi, dấu mốc quan trọng nhất là khi Vingroup quyết chuyển hướng kinh doanh sang đặt trọng tâm phát triển các lĩnh vực công nghệ – công nghiệp. Điều này góp phần đưa hệ sinh thái VIC của Vingroup ngày càng tiến tới sự hoàn thiện.
II. One Mount Group và những chiến lược thông minh
Trái với những kì vọng ban đầu của nhiều nhà đầu tư, sau một thời gian đầu thành lập thì dữ liệu tài chính của One Mount Group vẫn chưa có nhiều đột phá. Cụ thể, 3 tháng đầu hoạt động của công ty không phát sinh doanh thu. Thậm chí, sau khi trừ đi chi phí hoạt động và các chi phí khác, công ty báo lỗ sau thuế hơn 24 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu tài chính của One Mount Group. Nguồn: CafeF.vn
Tuy vậy, nếu nhìn đường dài thì One Mount Group vẫn có những khởi sắc. Tổng kết năm 2019, khối tài sản của One Mount Group đạt 3.182 tỷ đồng, được tạo ra chủ yếu bởi vốn của các chủ sở hữu.
Cùng thời điểm đó, dòng tiền vẫn tiếp tục được các ông chủ đổ thêm vào công ty. Đó là lý do mà đến cuối tháng 6/2020, vốn điều lệ của One Mount Group đã lên đến con số 4.047 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ ban đầu.
1. Phát triển VinMart và VinMart+ dưới sự dẫn dắt của Masan
Chiến lược chuyển sang tập trung vào các lĩnh vực công nghệ – công nghiệp của Vingroup trông có vẻ tối ưu, nhưng chỉ một thời gian sau chiến lược này bộc lộ những điểm yếu của mình. Vì trong quá trình chuyển đổi ấy, mảng bán lẻ của Vingroup bỗng trở nên thiếu hiệu quả.
Và đây là lúc Masan đã được “chọn mặt gửi vàng”. Được xem là đối tác có thực lực và đáng tin cậy, Masan tiếp quản và phát triển chuỗi cửa hàng và siêu thị (VinMart và VinMart+) mà Vingroup đã xây dựng được thương hiệu từ trước đó.
2. OneID trở thành công ty mẹ của VinID
Trong quá trình rút khỏi mảng bán lẻ, Vingroup đã tiến hành kết hợp sàn thương mại điện tử Adayroi và ứng dụng VinID. Bước đi này vừa giúp nâng cấp mảng thương mại điện tử thành mô hình “New Retail” – kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và trực tuyến dựa trên công nghệ số (O2O), đồng thời tạo tiền đề cho mô hình B2B2C – cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và khách hàng.
Sau đó, VinID được quản lý bởi OneID dưới mái nhà chung One Mount Group. Tuy ở thời điểm ban đầu OneID nhận mức lỗ hơn 100 tỷ đồng nhưng giá trị tổng tài sản lại có những bước tiến ấn tượng, tăng gấp 5 lần từ mức 2,754 tỷ đồng lên 3,390 tỷ đồng.
3. VinShop và tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ
Hôm 5/10 vừa rồi, một thành viên khác của One Mount Group là CTCP One Distribution đã chính thức ra mắt ứng dụng VinShop – một sản phẩm công nghệ có vai trò kết nối cung ứng hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất tới chủ cửa hàng tạp hóa (B2B).
Theo một thống kê của Nielsen năm 2018, 75% miếng bánh thị trường bán lẻ đang nằm tại hơn 9.000 chợ và 1,4 triệu tiệm tạp hóa truyền thống, với doanh thu lên tới 10 tỷ USD mỗi năm.
Những chiến lược thông minh của One Mount Group
Nhìn thấy tiềm năng ấy One Mount Group quyết định lấn sân vào thị trường màu mỡ, đầy tiềm năng này. Giám đốc phát triển Kinh doanh One Mount Group – Trương Quỳnh Phương chia sẻ: “Mục tiêu đến năm 2022, số lượng đối tác gia nhập hệ thống dự kiến sẽ đạt 300.000 tiệm trên cả nước”.
Bên cạnh mang lại lợi ích của chủ tiệm tạp hóa, nhà sản xuất, người tiêu dùng cũng sẽ có cơ hội mua hàng với giá giảm tới khoảng 10%, do tối ưu tới 15% chi phí toàn chuỗi.
“Thế chân kiềng cho thị trường bán lẻ gồm: Cộng đồng doanh nghiệp bán hàng tốt hơn, hàng trăm nghìn tiệm tạp hóa kinh doanh hiệu quả hơn, hàng triệu khách hàng tiết giảm được chi phí sinh hoạt nhờ được mua hàng với giá rẻ hơn sẽ tác động tốt tới sự phát triển của ngành bán lẻ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong tương lai”.
Trong tương lai gần, VinShop còn có kế hoạch hợp tác với ngân hàng Techcombank ra mắt các giải pháp tài chính như bán hàng trả chậm, cho vay ưu đãi để hỗ trợ các chủ cửa hàng tạp hóa kinh doanh thuận lợi hơn với nguồn vốn dồi dào.
4. Thành lập 1MG Housing và tiếp tục phát triển
One Mount Group không chỉ có những bước đi với thương hiệu có sẵn, công ty này còn rót vốn thành lập một pháp nhân với tên gọi Công ty cổ phần 1MG Housing (OneHousing – Thành viên của One Mount Group). Công ty được đăng ký trên giấy tờ là kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.
Được biết, 1MG Housing vừa được thành lập vào ngày 11/5/2020 với nguồn vốn điều lệ ban đầu đạt 33 tỷ đồng. Cụ thể trong đó, One Mount Group góp đến 99,9% vốn. Phần vốn còn lại được chia đều cho 2 cổ đông cá nhân là bà Nguyễn Thị Dịu 0,05% và ông Hồ Anh Ngọc 0,05%
Với sự xuất hiện của 1MG Housing, nhiều người đồn đoán rằng One Mount Group sẽ sớm lấn sân sang thị trường bất động sản, đây vốn là một “chiếc bánh ngon” mà các “ông lớn” đều muốn giành phần.
Mặc dù chưa rõ 1MG Housing sẽ hướng đến phân khúc nào và phát triển theo hướng nào, nhưng có thể dễ dàng thấy các ông chủ của One Mount Group đều đã có những đế chế địa ốc lừng lẫy cho riêng mình.
XEM THÊM: Sự thật OneHousing đã lộ diện với việc mở Sàn Bất Động Sản Phân phối Bất Động Sản – Dự án Đầu tiên chính là Masteri WaterFront nằm trong Đại Đô Thị Vinhomes Ocean Park Gia Lâm Hà Nội – Bản chất chính là Dòng sản phẩm cao cấp của Tập Đoàn Vingroup
Bài viết có tham khảo thông tin từ VietTimes, EnterNews và CafeF.vn
Nhật Minh
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Chân dung 12 nữ tướng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ở Vingroup
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là nơi hội tụ của nhiều nữ CEO tài sắc vẹn toàn. Dưới đây là chân dung 12 nữ tướng nổi bật của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ở tập đoàn Vingroup.

Là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vingroup được biết đến nhiều với việc trọng dụng các bóng hồng vào những chức vụ lãnh đạo chủ chốt. Lý giải về điều này, Chủ tịch Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng nói: “Phụ trách về an ninh, đối ngoại là đàn ông, xây dựng là đàn ông, phát triển dự án cũng là đàn ông. Thế nhưng kinh doanh chẳng hạn lại là phụ nữ”.
Nguyễn Diệu Linh-Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup
Bà Nguyễn Diệu Linh sinh năm 1974 tại Hà Nội. Trước khi gia nhập Vingroup, bà Nguyễn Diệu Linh là luật sư của hãng luật Ngo Migueres & Partners tại Hà Nội và cộng sự Hãng Luật Gide Loyrette Nouel, Hà Nội.

Tháng 1/2005, bà Nguyễn Diệu Linh gia nhập CTCP Vincom (tiền thân của Tập đoàn Vingroup), trở thành Phó Tổng giám đốc Vingroup vào tháng 9/2008. Năm 2011, bà Nguyễn Diệu Linh làm Phó Chủ tịch HĐQT và người công bố thông tin của Vingroup. Đến 2018, bà Linh tiếp tục được bầu làm Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT của Vinhomes. Cuối tháng 2/2019, bà Linh được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes.
Phạm Thu Hương- Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup
Bà Phạm Thu Hương được biết đến là một trong những người sáng lập Vingroup – tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam – và giữ vai trò là Phó chủ tịch thường trực thứ hai.
Cũng giống như chồng mình là ông Phạm Nhật Vượng, bà Hương là người phụ nữ rất kín tiếng trong cuộc sống riêng cũng như chưa từng để lộ hình ảnh với công chúng. Bà Hương sinh năm 1969 tại Hà Nội, có bằng Luật tại Ukraina, là cổ đông của Technocom từ năm 1994, trước khi chuyển sang giữ chức vụ tại Vincom.
Bà Hương là người phụ nữ luôn nằm trong top đầu những nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Trong đó vào năm 2013, bà Hương đứng ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với việc nắm giữ hơn 49 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 3.436 tỷ đồng.
Phạm Thúy Hằng- Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup
Bà Phạm Thúy Hằng – em vợ ông Phạm Nhật Vượng, hiện là Phó chủ tịch Vingroup. Bà Hằng cũng từng có thời gian nắm quyền tại Technocom.
Bà Hằng sinh năm 1974, là doanh nhân trẻ nhất lọt top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán. Năm 2013, bà Hằng đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng này với việc sở hữu gần 33 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 2.294 tỷ đồng.
Cùng với chồng, anh rể và 2 chị gái, gia đình bà Hằng là gia đình giàu nhất sàn chứng khoán năm 2012. Song cũng giống như chị gái, bà Phạm Thúy Hằng hầu như không lộ diện trước truyền thông.
Mai Hương Nội- Phó Tổng giám đốc Vingroup
Bà Mai Hương Nội hiện là Phó Tổng giám đốc thường trực, thành viên HĐQT Vingroup, phụ trách các công tác mang tính chiến lược về phát triển và cải tổ nội bộ của Tập đoàn.

Bà Mai Hương Nội sinh năm 1969 tại Hà Nội, là cử nhân ngân hàng của Đại học Kinh tế quốc dân. Bà Hương Nội gia nhập vào Vingroup năm 2006 với vai trò là Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Vincom, sau đó giữ chức Tổng giám đốc Vingroup từ tháng 3/2006 đến tháng 6/2012.
Trước đó, bà Hương Nội từng công tác tại Bưu điện Hà Nội với các vị trí: kế toán viên, phó phòng thanh toán cước phí, trưởng phòng thanh toán cước phí (thuộc trung tâm dịch vụ khách hàng).
Bà Nguyễn Thị Dịu- Tổng giám đốc VinID
Bà Nguyễn Thị Dịu sinh năm 1973 và hiện đang làm Phó Tổng giám đốc Vingroup, đồng thời cũng là thành viên HĐQT CTCP Vincom Retail (Mã: VRE).

Bà Dịu gia nhập Tập đoàn từ năm 2014 và lập tức giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc. Trước đó bà từng có thời gian làm giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của Ngân hàng UBS – Thụy Sĩ; Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Tư vấn Tài chính Đầu tư AFH; Trưởng đại diện kiêm Giám đốc phụ trách nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, ngân hàng JPMorgan tại Việt Nam…
Về quá trình học tập, bà là cựu sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, thạc sĩ quản trị kinh doanh chuyên ngành tài chính Đại học Hawaii.
Bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Vinfast
Bà Lê Thị Thu Thủy được biết đến là một trong những “chiến tướng” gắn bó với VinFast từ những ngày đầu thương hiệu này ra đời.
“Nữ tướng” VinFast sinh ngày 22/07/1974, quê quán Bình Định. Bà Thủy có trình độ cử nhân kinh tế của Đại học Ngoại Thương Hà Nội, thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học Quốc tế Nhật Bản và chứng chỉ chuyên gia phân tích đầu tư tài chính (CFA).

Năm 1996 – 1998, bà Thủy làm việc tại chương trình tín dụng của Ủy ban châu Âu tại Việt Nam, rồi giữ chức Phó chủ tịch ngân hàng đầu tư của Lehman Brothers tại thị trường Nhật Bản, Thái Lan và Singapore từ năm 2000 đến năm 2008.
Tháng 11/2008, nữ doanh nhân 7x bắt đầu gia nhập Vingroup với tư cách là Trưởng ban Đầu tư của Tập đoàn. Năm 2011 – 2012, bà Thủy lần lượt được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, rồi Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup.
Trong quá trình tham gia vào Vingroup, bà Thủy đã có nhiều đóng góp lớn khi trực tiếp thực hiện thành công nhiều thương vụ quan trọng với đối tác nước ngoài cho Tập đoàn như: Phát hành 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vincom vào năm 2009 và 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vingroup vào năm 2012.
Đáng chú ý, vào năm 2013, bà Lê Thị Thu Thủy là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) bình chọn là một trong 199 “Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2013″ – Young Global Leaders (YGL) Class of 2013 về những đóng góp của mình trong điều hành.
Với danh hiệu này, bà Lê Thị Thu Thủy đã được công nhận là thành viên chính thức của Diễn đàn Lãnh đạo trẻ toàn cầu thuộc WEF.
Trong bài báo viết về VinFast, trang Autonews cho biết, tháng 6/2017, Vingroup quyết định gia nhập thị trường ô tô. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng gọi cho bà Lê Thị Thu Thủy, khi ấy còn giữ chức vụ Phó chủ tịch Vingroup, và yêu cầu bà mở nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam.
“Nữ tướng” VinFast cho biết: “Tháng 9/2017, tôi bắt đầu đi khắp thế giới để nói với mọi người trong ngành ô tô và cung ứng. Họ nghĩ rằng chúng tôi điên rồi nhưng sau đó bắt đầu tin vào kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi có quan hệ tốt đẹp với BMW ngay từ lúc bắt đầu cũng như tương tác khá tốt với GM”.
Bà Dương Thị Hoàn- Phó Tổng giám đốc Vingroup
Bà Dương Thị Hoàn sinh năm 1978, bà tốt nghiệp trường Đại học Thương mại với bằng cử nhân và bằng thạc sỹ Quản trị kinh doanh, theo chương trình đào tạo liên kết của trường Đại học Quốc gia Hà Nội và trường Đại học Benedictine Illinois, Mỹ.

Bà được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn từ tháng 8/2016. Trước đó, bà giữ chức vụ Trưởng Ban Truyền thông Tập đoàn từ năm 2007 đến năm 2016 và Giám đốc Công ty Hùng Việt từ năm 2005 đến đầu năm 2007.
Bà Thái Thị Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT CTCP Vincom Retail
Bà Thái Thị Thanh Hải là người không mấy xa lạ với giới tài chính Việt Nam khi có 22 năm kinh nghiệm làm việc tại Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, một trong hai công ty kiểm toán lớn nhất Việt Nam. Bà từng giữ chức danh phó tổng giám đốc tại công ty kiểm toán này.

Trước khi tham gia vào HĐQT Vincom Retail đợt vừa qua, bà Thái Thị Thanh Hải đã đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc tại Công ty Vincommerce – chủ đầu tư của hệ thống VinMart & VinMart+, thuộc Tập đoàn Vingroup.
Bà cũng chính là người xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+ từ những ngày đầu cho tới nay với quy mô 65 siêu thị và hơn 1.000 cửa hàng và trở thành chuỗi bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Kế toán trưởng
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền sinh năm 1973 là cử nhân kế toán, được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng của Tập đoàn từ năm 2008 đến nay.

Trước đó, bà là Giám đốc Tài chính từ năm 2005 – 2008 và Kế toán trưởng của Công ty Cổ phần Đầu tư Hà Việt từ năm 2003 – 2005.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền tốt nghiệp với bằng cử nhân Kinh tế tại Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội và bằng cử nhân ngoại ngữ tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Bà cũng là thành viên của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA).
Bà Lê Mai Lan, Phó chủ tịch Vingroup – Tổng gíam đốc VinUni
Bà Lê Mai Lan, sinh năm 1969, bà Tốt nghiệp hạc sỹ Quản trị Kinh doanh đại học Tổng hợp TU Berlin.

Từ năm 1997 đến năm 2001: Giám đốc kinh doanh Ngân hàng ABN Amro
Từ năm 2001 đến năm 2005: Giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội; Chuyên gia tư vấn tài chính độc lập của Công ty tài chính quốc tế IFC (World bank). Từ năm 2005 đến năm 2013: Tổng Giám đốc Công ty Đào tạo và tư vấn nghiệp vụ Ngân hàng. Từ năm 2014 đến nay: Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vinschool; Chủ tịch HĐQT Công ty Đào tạo và tư vấn nghiệp vụ Ngân hàng.
Bà Trương Lý Hoàng Phi – Tổng Giám đốc VinTech City – Tập đoàn Vingroup
Trương Lý Hoàng Phi (sinh ngày 6/01/1982) , quê gốc ở Đà Nẵng. Trương Lý Hoàng Phi tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia. Sau khi ra trường chị làm việc trái ngành trong ngân hàng, tiếp theo là làm viễn thông.
Bà từng là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp BSSC, kiêm Tổng Thư Ký Hội Doanh Nghiệp Trẻ Tp.HCM (YBA).
Trương Lý Hoàng Phi xuất hiện trong chương trình Shark Tank Việt Nam với vai trò là một Guest Shark (nhà đầu tư khách mời), thay thế vị trí của Shark Khoa. Cùng những trải nghiệm trong cộng đồng khởi nghiệp của mình, Shark Trương Lý Hoàng Phi có những góc nhìn đầu tư khởi nghiệp khác biệt và sâu sắc.
Năm 2018 bà Bà Trương Lý Hoàng Phi, được mời về làm Tổng Giám đốc VinTech City, thuộc Tập đoàn Vingroup

Thái Vân Linh – CEO công ty hỗ trợ khởi nghiệp Vingroup Ventures
Bà Thái Vân Linh sinh năm 1977 tại TPHCM còn được biết đến với tên gọi “shark Linh” khi tham gia vào chương trình Shark Tank Việt Nam trên sóng truyền hình. Bà Linh sang Mỹ từ năm 2 tuổi, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh chuyên ngành tài chính tại Mỹ.
Từ tháng 9/1999 đến tháng 6/2000, bà Thái Vân Linh làm Điều phối viên Marketing tại Stamps.com, một công ty trong lĩnh vực bưu chính.

Rời Stamps.com, tháng 7/2000 bà Linh đầu quân cho The .tv Corporation với vị trí Phó giám đốc tiếp thị và kinh doanh quốc tế. Chỉ sau 1 năm, bà Linh được lên làm Giám đốc Marketing của công ty này và giữ vị trí đó đến tháng 3/2004.
Giữa năm 2006, bà Linh làm việc tại ngân hàng đầu tư Banc of America Securities, một công ty con của Bank of America. Sau gần 2 năm làm việc tại ngân hàng này, đến tháng 7/2008, bà Linh quyết định về Việt Nam làm việc tại quỹ VinaCapital. Theo thông tin được VinaCapital xác nhận hồi tháng 12/2017, bà Linh giữ chức Giám đốc Vận hành và Tác nghiệp tại quỹ này.
Cuối năm 2018, Hội đồng quản trị Vingroup đã ra quyết định thành lập công ty con với tên gọi Công ty cổ phần Vingroup Ventures, ngành nghề kinh doanh chính là Hoạt động tư vấn và dịch vụ hỗ trợ.
Đáng chú ý, trong cơ cấu cổ đông của Vingroup Ventures có sự xuất hiện của bà Thái Vân Linh, sở hữu 10% và cổ đông còn lại là ông Nguyễn Hồng Quân sở hữu 20%.
Ngoài góp 10% vốn, bà Thái Vân Linh còn làm Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật.
Nguồn: https://thuongtruong24h.vn/chan-dung-12-nu-tuong-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-o-vingroup-115109.html